Thứ năm, 18/04/2024 | 10:38 Chào mừng đến với website trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang. Hiện tại website đang trong quá trình nâng cấp.
Sức khỏe ngày Tết
[Thứ hai, 28-10-2019 ]
Chúng ta thường nói “ăn tết” hay “về quê ăn tết”. Đây có thể là thói quen từ ngàn xưa, thể hiện sự mưu cầu no đủ. Từ ý nghĩa đó, có thể thấy rằng những căn bệnh xuất hiện trong dịp Tết thường liên quan nhiều đến vấn đề ăn uống. Làm thế nào để vừa tận hưởng những ngày Tết thật trọn vẹn, vừa giữ được sức khỏe để bắt đầu một năm mới?

Cần một chế độ ăn uống hợp lý!

Nên hạn chế chất béo và ngọt trong ngày Tết! Nhiều gia đình chuẩn bị tết rất kỹ lưỡng, với vô số công việc như mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, đi lễ tết các nơi. Vì thế, khi giao thừa đến, ai nấy đón Xuân với cơ thể mệt mỏi. Việc thăm viếng, sum họp, tiệc tùng trong ngày Tết đã làm thay đổi nhịp sinh học, tạo điều kiện “kích hoạt” những căn bệnh tiềm ẩn. Thức ăn nhiều chất đạm, chất béo, đường… trong những ngày Tết cũng khiến không ít người mang cái bụng luôn sôi ì ạch. Đó là sự cố trướng bụng, đầy hơi thường gặp phải. Bình thường, mức năng lượng đưa vào cơ thể khoảng 1.600 - 2.500 kcal/ngày, nhưng trong những ngày Tết nhiều người có thể nạp đến 6.000 kcal/ngày, khi đó hệ tiêu hóa phải “hì hụt” làm việc, chỉ một bộ phận nào đó không “nhiệt tình” thì bạn sẽ gặp rắc rối. Vì vậy, để “sức khỏe” có thể vui Xuân cùng chúng ta, bạn nên hạn chế chất béo, chất ngọt và không nên ăn quá no, mỗi bữa chỉ nên ăn 70 - 80% lượng thức ăn so với bình thường.

Nên chọn thực phẩm thấp năng lượng! Nếu chỉ dùng biện pháp giảm khối lượng thức ăn thì vẫn chưa đủ, ta nên sử dụng nguồn thực phẩm nhiều nước, giàu chất xơ như các loại rau, củ, quả, tinh bột đã qua chế biến (như bún, mì, hủ tiếu, phở…) để thay cho những loại thực phẩm có nhiều chất béo và bột đường. Những thực phẩm loại này có năng lượng thấp, không chỉ giúp ta đạt được cảm giác ăn đủ và ăn no, mà còn giúp ta kiểm soát được phần năng lượng đưa vào cơ thể. Không chỉ chọn các loại nguyên liệu ít chất béo, bạn còn phải chọn cách chế biến, hạn chế việc thêm chất béo vào món ăn như dùng cách hấp để thay cho việc xào hay chiên, nếu bắt buộc phải chiên xào thì dùng dầu thực vật thay cho mỡ…

Uống đủ nước! Ngày thường bạn đã được khuyên uống tám ly nước mỗi ngày. Vào ngày Tết bạn cần phải lưu ý hơn điều này vì các loại thức uống như bia, rượu, trà, nước ngọt… đã làm bạn quên đi cảm giác khát. Những thức uống thường có trong ngày Tết thực chất chỉ giúp bạn giải khát giả tạo chứ không thể bổ sung nước cho cơ thể tốt bằng nước lọc. Hãy cố gắng uống nhiều nước lọc trong ngày, vì nếu bị thiếu nước cơ thể sẽ gởi đi tín hiệu khiến bạn ăn nhiều hơn để bù vào lượng nước đó.

Mặt khác, ở nhà có trẻ em cần để ý cho trẻ ăn uống đầy đủ vì trẻ em thường ham chơi trong những ngày Tết, người lớn thường bận bịu và bánh mứt có sẵn nên chúng ăn nhiều chất đường bột mà thiếu chất đạm và sinh tố. Ở người cao tuổi, thường thì sức đề kháng kém, các chức năng nội tiết, tiêu hóa, chuyển hóa đều giảm sút nên rất dễ mắc bệnh khi có sự thay đổi môi trường và nếp sinh hoạt. Hòa cùng không khí vui Xuân của mọi người, mọi nhà, người cao tuổi thường cũng có tâm trạng rất vui trong không khí sum vầy của gia đình. Trong tâm trạng như vậy, người cao tuổi có xu hướng ăn uống nhiều hơn bình thường nên càng dễ mắc bệnh hơn. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe và vui cùng con cháu lâu dài, những người cao tuổi cần có chế độ ăn uống phù hợp trong ngày Tết.

Nói cách khác, không có thức ăn tốt, không có thức ăn xấu. Thức ăn xấu hay tốt là phụ thuộc vào cách ăn của mỗi người, nên ăn uống điều độ, vừa phải.

 “Quá chén” chỉ có hại!

Người ta thường nói “vô tửu bất thành lễ” hay “nam vô tửu như kỳ vô phong”, trong dịp Tết không thể cấm đoán hoàn toàn việc uống bia, uống rượu. Một vài ly chúc tụng nhau sức khỏe, hạnh phúc và nhiều điều tốt đẹp thì không thành vấn đề. Vấn đề là một ngày có thể gặp rất nhiều hội, hội bạn bè, hội anh em, hội bà con nội ngoại, hội đồng nghiệp… Mỗi hội như vậy vài ba ly cũng làm cho người ta say túy lúy. Nếu chúng ta lạm dụng rượu, bia thì trước hết là nói năng lộn xộn dễ làm mất lòng người khác, lái xe dễ gây tai nạn cho mình và cho người, về lâu dài sẽ bị viêm gan, xơ gan, tâm thần…

Thông thường hễ ăn nhậu là có hút. Khác với rượu, thuốc lá hầu như không có lợi ích gì cho sức khỏe cả. Trong khói thuốc có khoảng 4000 chất khác nhau có thể gây hại cho sức khỏe như ung thư phổi, ung thư vùng mũi họng, viêm phế quản mãn, bệnh tim mạch… Tác hại càng tăng khi vừa uống rượu vừa hút thuốc. Điều này là do chất cồn làm cho mạch máu giãn nở, quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể tăng lên, giúp cho việc hấp thụ các chất gây hại có trong thuốc lá dễ dàng hơn.

Vui xuân không quên… thể dục!

Với nhiều người, ngày Tết luôn có một chế độ ăn uống dồn dập, hết bữa tiệc này qua bữa tiệc khác, nhưng chế độ tập luyện hàng ngày lại được tạm nghỉ vì “một năm chỉ có mấy ngày Tết”. Trong những ngày Tết không nên bỏ thói quen tập thể dục. Những động tác vận động toàn thân khoảng 15 phút sẽ giúp bạn tiêu hao năng lượng thừa và cho bạn một tinh thần sảng khoái. Nếu có điều kiện, mỗi ngày nên đi bộ 30 - 45 phút vào buổi sáng hay buổi tối là rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, việc được chiêm ngưỡng cảnh sắc xuân trong lúc đi bộ cũng giúp tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn nhiều và chắc chắn giúp chúng ta thấy yêu đời hơn.

Tết! Tết! Tết đến rồi! Tết là dịp để mọi người chúng ta vui vẻ, sum họp gia đình sau một năm làm việc, vui Xuân sao cho niềm vui được trọn vẹn và sức khỏe được dồi dào là điều mong ước của mỗi người và… của cả người thầy thuốc nữa./.
Trần Bá Đỉnh
 
THÔNG BÁO TUYỂN SINH
LƯỢT TRUY CẬP
Đang xem: 93
Hôm nay: 4,213
Hôm qua: 6,357
Tổng lượt khách: 10,208,813