Thứ tư, 04/12/2024 | 06:17 Chào mừng đến với website trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang. Hiện tại website đang trong quá trình nâng cấp.
SUY NGHĨ, ĐỀ XUẤT NHÂN RỘNG VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH XÃ HỘI HOÁ TẠI TRẠM Y TẾ XÃ AN LONG, HUYỆN TAM NÔNG, TỈNH ĐỒNG THÁP THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH
[Chủ nhật, 29-05-2016 ]
SUY NGHĨ, ĐỀ XUẤT NHÂN RỘNG VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH XÃ HỘI HOÁ TẠI TRẠM Y TẾ XÃ AN LONG, HUYỆN TAM NÔNG, TỈNH ĐỒNG THÁP THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH
Ở nước ta, Nhà nước đang khuyến khích thực hiện xã hội hoá công tác y tế. Tuy vậy đến nay các mô hình xã hội hoá đa số tập trung vào đầu tư trang thiết bị, khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên. Tại tuyến huyện và đặc biệt tại xã, chưa có nhiều  hoạt động theo hướng này. Do vậy, khi có thông tin về Trạm Y tế xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp thực hiện mô hình xã hội hoá ngay tại Trạm Y tế xã đã được rất nhiều người quan tâm theo dõi.
      Mô hình này có nét mới là điểm về mở rộng thực hiện xã hội hoá tại tuyến y tế thấp nhất là trạm y tế  xã với hiệu quả tích cực ở bước đầu.
     Ý tưởng của mô hình rất đáng khích lệ. Hiệu quả đương nhiên người dân sẽ hài lòng hơn, nhân viên y tế sẽ vui vẻ, niềm nỡ hơn, sẵn sàng làm việc cả trong và ngoài giờ, không ít trường hợp Y Bác sĩ, Điều dưỡng đến tận nhà người bệnh để khám chữa bệnh theo yêu cầu...
      Tuy vậy, nhìn kỹ mô hình này chỉ đạt mức sáng tạo thông thường và nếu phát triển tiếp theo sẽ có thể gặp không ít khó khăn do cách nhìn khác nhau, quan điểm khác nhau từ nhiều phía, cả trong và ngoài ngành...
       Thiết nghĩ, nếu chủ trương xã hội hoá công tác y tế là cần thiết, hợp lý thì việc thực hiện chủ trương này ở tuyến  y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã, phường lại càng hợp lý, rất đáng trân trọng và cần được tiếp tục ủng hộ để nhân rộng.
       Tuy vậy, mô hình mới này vẫn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc về quan điểm, cách nhìn, sự đánh giá của người dân, của chính quyền, của các nhà quản lý y tế và các ngành liên quan.
         Nếu không có cách nhìn thoáng, các chủ trương xã hội hoá mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là có sự hỗ trợ cần thiết từ phía Nhà nước, nhà quản lý y tế và các ngành liên quan về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính để trả lương nhân viên hợp đồng, cơ chế phân chia hiệu quả lao động, giá trị thương hiệu... thì e rằng khó nhân rộng mô hình thú vị này ra cả nước.
       Để góp phần giải bài toán đặt ra, qua nghiên cứu các mô hình chăm sóc ban đầu hiệu quả trong và ngoài nước, tôi xin đề xuất  3 ý kiến sau đây:
1. Nhà quản lý các cấp nên ủng hộ mô hình của TYT An Long - Đồng Tháp. Tiếp tục phát triển mô hình này theo nguyên lý Y học Gia đình và nhân rộng mô hình này sang các địa phương khác.
     Nhà nước ủng hộ phát triển xã hội hoá công tác chăm sóc ban đầu (CSBĐ) tại các Trạm Y tế theo nguyên lý của Y học Gia đình nếu các TYT có điều kiện thuận lợi mong muốn được triển khai mô hình này.

2. Nên ưu tiên khuyến khích xã hội hoá chăm sóc ban đầu tại tuyến y tế cơ sở theo nguyên lý Y học Gia đình. Phát triển mạng lưới chăm sóc ban đầu theo nguyên lý Y học Gia đình là chủ trương mới nhất của Bộ Y tế về CSBĐ nhân dân

3. Nên sớm vận dụng cách làm của Singapore về khuyến khích Bác sĩ tham gia phát triển Phòng khám Bác sĩ Gia đình (BSGĐ).
    Cách làm của người Sing phù hợp nhất với điều kiện nước ta - hiện cũng đang trong giai đoạn ban sơ về phát triển mô hình BSGĐ.
singapo.JPG
        Mô hình Phòng khám Bác sĩ Gia đình hợp tác Chính Phủ và tư nhân tại Singapore

      Đây là mô hình rất hay đã được 1 Bác sĩ Singapore báo cáo tại Hội nghị về Bác sĩ Gia đình tổ chức tại Đại học  Y Phạm Ngọc Thạch, TP. HCM năm 2014. Báo cáo này cho thấy Chính phủ Singapore đã nhìn thấy rõ lợi ích từ việc phát triển mạng lưới BSGĐ nên đã đề ra các cơ chế ưu đãi khuyến khích các Bác sĩ tham gia phát triển Phòng khám Bác sĩ Gia đình trên khắp đất nước Singapore.
       Cơ chế ưu đãi của người Sing cụ thể như sau:
- Nhà nước chi tiền xây dựng các Phòng khám BSGĐ
tại các khu vực có dân cư theo quy hoạch phát triển của địa phương (tương tự các Trạm Y tế của ta - ở Singapore không có Trạm Y tế, các Phòng khám BSGĐ thay thế cho các TYT).
        Cơ chế ưu đãi của người Sing để thu hút Y Bác sĩ, Điều dưỡng tham gia phát triển Phòng khám BSGĐ.
* 3 năm đầu:
- Bác sĩ được trả lương hàng tháng
- Mức lương hấp dẫn, cạnh tranh với mức lương ở BV tư nhân
* 3 năm sau:
- Bác sĩ có quyền mua cổ phần của Phòng khám với giá mua hợp lý
- Thời gian mua, số cổ phần muốn mua đều do Bác sĩ tự quyết định
- Được chia % lợi nhuận tương ứng.
        Cơ chế kêu gọi XHH phát triển Phòng khám BSGĐ của Singapore thoạt nhìn tương tự chủ trương xã hội hoá y tế của Việt Nam nhưng nghiên cứu kỹ sẽ thấy chủ trương của Singapore có hướng khuyến khích xã hội tham gia công tác chăm sóc ban đầu cụ thể theo hướng hiện đại nhất: định hướng của Nhà nước về chăm sóc ban đầu theo Y học Gia đình. Cơ chế của người Sing mạnh mẽ hơn, dành nhiều ưu đãi hơn và có lộ trình rõ rệt hơn so với các chủ trương xã hội hoá y tế còn chung chung ở đa số địa phương của chúng ta hiện nay.
      Để đầu tư cho y tế cơ sở hợp lý, nên sớm làm tương tự Singapore. Theo tôi, đây là cách làm khả thi nhất, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam; nên làm điểm ở các địa phương có điều kiện phù hợp trước. Tiền Giang xin đăng ký làm điểm mô hình mới này.
       Về lâu dài, Nhà nước chỉ nên đầu tư toàn bộ cho các Trạm Y tế nằm tại các vùng hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa; còn các TYT ở đô thị nên khuyến khích BSGĐ tham gia xã hội hoá như Singapore - thay vì đầu tư toàn bộ cho TYT xã, phường như hiện nay.
        Cách làm này sẽ tránh lãng phí và góp phần phát huy nội lực cộng đồng, tăng năng động xã hội.
        Cơ chế này nếu được vận dụng phù hợp, chắc chắn sẽ không chỉ giúp phát triển mạnh mẽ việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc ban đầu nhân dân theo các nguyên lý Y học Gia đình mà còn giúp Nhà nước tiết kiệm chi ngân sách quốc gia và đầu tư kinh phí hợp lý hơn cho công tác chăm sóc ban đầu trong giai đoạn hiện nay.
       Nếu địa phương nào vẫn quá chú trọng đầu tư cho việc khám chữa bệnh tại các bệnh viện, đương nhiên lại dẫn đến quá tải BV tiếp tục và kéo dài triền miên. Nhà nước nên động viên các địa phương nào đủ điều kiện nên sớm thực hiện việc dành kinh phí đầu tư vào công tác phòng bệnh và quỹ BHYT để người dân tự lựa chọn nơi sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu theo hướng Y học Gia đình.
Riêng việc khám chữa bệnh, chăm sóc ban đầu nên mạnh dạn chỉ đạo xã hội hoá.
      Hy vọng các ý tưởng này sẽ góp phần tham mưu cho các nhà quản lý sớm đi đến các quyết sách mới về xã hội hoá công
tác chăm sóc ban đầu nhân dân, phát huy nguồn lực cộng đồng vô tận còn nằm trong dân, nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu và góp phần giảm quá tải bệnh viện.

                                                 TS BS Nguyễn Hùng Vĩ
                                                        
 
THÔNG BÁO TUYỂN SINH
LƯỢT TRUY CẬP
Đang xem: 183
Hôm nay: 2,432
Hôm qua: 2,217
Tổng lượt khách: 10,767,364